Đổi mới mô hình tổ chức tại các BĐT/TP: Rõ người - Rõ việc - Rõ trách nhiệm - Rõ quyền lợi

10/05/2025 - 14:00:02 - 555 lượt xem

Việc triển khai phương án đổi mới mô hình tổ chức quản lý và sản xuất kinh doanh Bưu điện tỉnh/thành phố (BĐT/TP) sẽ mang lại nhiều chế độ và quyền lợi tốt hơn cho người lao động. Đồng thời, tạo thuận lợi cho người lao động nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, mở rộng cơ hội thăng tiến trong một môi trường làm việc chuyên môn hóa và hiệu quả hơn.

 

3 mục tiêu lớn của đổi mới mô hình tổ chức tại BĐT/TP

 

Việc đổi mới, sắp xếp bộ máy tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được Tổng công ty Bưu điện Việt Nam xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt cấp thiết trong giai đoạn phát triển mới và sẽ thực hiện khẩn trương, quyết liệt trong năm 2025, với khởi đầu là từ Khối Cơ quan Tổng công ty, sau đó đến các Bưu điện tỉnh, thành phố. Đây là yêu cầu cấp thiết để các BĐT/TP nâng cao năng lực vận hành, tối ưu hiệu quả kinh doanh, thích ứng nhanh chóng với xu hướng của thị trường cũng như tạo nền tảng phát triển bền vững cho cả đơn vị và Tổng công ty.

 

Ngày 16/4/2025, Tổng công ty đã ban hành Quyết định số 66/QĐ-BĐVN-HĐTV của Hội đồng thành viên về việc phê duyệt Phương án đổi mới mô hình tổ chức quản lý và sản xuất kinh doanh các Bưu điện tỉnh/thành phố.

 

Phương án chỉ rõ 03 mục tiêu lớn:

 

Sắp xếp lao động trên nền tảng năng lực thực chất

 

Hiện nay, tại các BĐT/TP, một người đang làm nhiều việc, nhiều người đang làm cùng một việc. Mô hình mới sẽ có sự thay đổi, một việc sẽ do một người chịu trách nhiệm chính theo hướng “chuyên biệt để chuyên nghiệp”.

 

Khi thực hiện phương án đổi mới tổ chức quản lý và sản xuất kinh doanh các BĐT/TP, người lao động có thể sẽ phải thay đổi vị trí công việc theo mô hình mới với sự phân tách rõ ràng giữa Kinh doanh và Vận hành.

 

Nguyên tắc bố trí, sắp xếp lao động là dựa trên đánh giá năng lực, kinh nghiệm và trình độ chuyên môn theo hướng luân chuyển, dồn dịch lao động gián tiếp, tăng cường cho lao động trực tiếp sản xuất, đặc biệt là lực lượng kinh doanh. Và sẽ có yêu cầu mới về nhiệm vụ, năng suất lao động và chất lượng công việc để đảm bảo các hoạt động quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh được vận hành thông suốt, không gián đoạn, không bỏ sót công việc.

 

Bố trí, sắp xếp lao động phải đi kèm với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nâng cao năng lực. Mục tiêu là trang bị cho người lao động đầy đủ kiến thức, kỹ năng để thích nghi nhanh chóng với yêu cầu công việc mới, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả vận hành. Đồng thời đảm bảo quyền lợi, cơ hội phát triển, tạo động lực cho nhân sự gắn bó lâu dài.

 

Tiền lương tính theo đơn giá và gắn chặt với kết quả thực hiện công việc

 

Bản chất của việc tách trục Kinh doanh - Vận hành trong mô hình mới tại BĐT/TP là để xác định rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và rõ quyền lợi của từng cá nhân/bộ phận; từ đó tạo cơ sở thuận lợi để áp dụng tính lương theo đơn giá. Một người sẽ có thể làm nhiều việc và sẽ được hưởng lương theo đơn giá của các đầu việc đó.

 

Đối với khối Vận hành thì đơn giá được tính theo sản lượng và đánh giá chất lượng (bao gồm cả đánh giá các chỉ số giảm trừ, thưởng phạt nếu để mất khách hàng hoặc làm giảm doanh thu khách hàng hiện hữu).

 

Đối với khối Kinh doanh thì tính đơn giá theo doanh thu; và sẽ ưu tiên phần nhiều hơn cho doanh thu bán mới. Đơn giá cho doanh thu bán mới sẽ được dồn lực để từng bước cao hơn mức cạnh tranh của thị trường nhằm thu hút nguồn lực lao động giỏi từ thị trường cũng như khuyến khích lực lượng bán hàng đẩy mạnh bán mới.

Đối với lao động gián tiếp sẽ căn cứ theo định biên đơn vị tách quỹ tiền lương khối gián tiếp, thực hiện giao khoán quỹ tiền lương đối với lao động gián tiếp để khuyến khích tiết kiệm lao động, tăng thu nhập cho NLĐ. Lương hàng tháng của lao động gián tiếp sẽ được thanh toán gắn với KPIs cá nhân và tỷ lệ hoàn thành quỹ tiền lương của đơn vị, đơn vị sử dụng tiết kiệm lao động thì tiền lương tăng.

 

Đối với lao động chuyển từ gián tiếp sang trực tiếp, tiền lương hiệu quả được bảo lưu tối đa 03 tháng. Tuy nhiên, việc trả lương hàng tháng phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ, kết quả hoàn thành công việc/KPI của người lao động.

 

Dù thay đổi mô hình tổ chức, quyền lợi đóng bảo hiểm xã hội của người lao động vẫn được giữ nguyên theo quy định hiện hành. Các khoản phụ cấp địa bàn và trách nhiệm công việc mới sẽ được điều chỉnh phù hợp, đặc biệt đối với các lao động phải di chuyển địa điểm làm việc hoặc làm việc tại các khu vực có yêu cầu đặc biệt.

 

Tổng công ty sẽ có hướng dẫn chi tiết về quy định chức năng, nhiệm vụ cơ chế trả lương đối với từng bộ phận và chế độ, chế tài nếu liên tục 03 tháng không đạt chỉ tiêu để sàng lọc những lao động có năng suất thấp, hiệu quả thấp.

 

Các BĐT/TP hiện đã và đang triển khai phương án đổi mới tổ chức quản lý và sản xuất kinh doanh từ ngày 01/5/2025. Để hỗ trợ các BĐT/TP triển khai hiệu quả phương án, thời gian tới, các tổ công tác của Tổng công ty sẽ trực tiếp làm việc cùng đơn vị để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện và sẽ linh hoạt điều chỉnh chế độ quản lý, quy trình làm việc, phân bổ nguồn lực để phù hợp với thực tế từng địa phương.

PHAN DIỆU LINH
Danh bạ